Nhiều thách thức về thuế với các doanh nghiệp thương mại xuyên biên giới

Các hoạt động kinh doanh như Facebook, Google đang đặt ra rất nhiều vấn đề trong hoạt động đánh thuế và thay đổi cơ bản cách thức xác định giá trị tính thuế, đối tượng chịu thuế trong nền kinh tế hiện nay.

Nhiều thách thức về thuế với các doanh nghiệp thương mại xuyên biên giới
Thu thuế các DN như Facebook, Google vẫn còn “khó”. Ảnh minh họa: internet

Đây là nhận định của PGS, TS. Vũ Sỹ Cường – Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính tại tọa đàm “Đánh thuế thế nào với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới”, do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức chiều ngày 20/12.

Theo ông Cường, trước đây chúng ta chỉ đánh thuế vào những thứ hiện hữu, có giá trị nhưng hiện nay có nhiều thứ không hiện hữu nhưng có giá trị, ví dụ như thông tin. Các doanh nghiệp (DN) như Facebook, Google… khai thác thông tin người dùng để thu lợi nhuận qua quảng cáo, nhưng lại không có đại diện tại Việt Nam.

Các hoạt động kinh doanh như Facebook, Google đang đặt ra rất nhiều vấn đề trong hoạt động đánh thuế và thay đổi cơ bản cách thức xác định giá trị tính thuế, đối tượng chịu thuế trong nền kinh tế hiện nay.

Muốn đánh thuế thì phải xác định được giá trị. Bản chất của đánh thuế hiện tại là đánh thuế qua đơn vị cư trú, qua hàng hóa hữu dụng nhưng Facebook không có đơn vị cư trú tại Việt Nam, hàng hóa cũng không phải loại hiện hữu mà là thông tin, nhưng lại thu được nhiều lợi nhuận từ Việt Nam thông qua nhà quảng cáo.

Cái khó tiếp theo là khó xác định đối tượng đánh thuế, vì người dùng không phải trả tiền cho người cung cấp dịch vụ. Họ là người thụ hưởng dịch vụ và cũng tham gia vào quá trình tạo ra giá trị khi họ check facebook, tìm kiếm thông tin trên Google. Còn người cung cấp dịch vụ cũng không thu tiền từ người dùng mà từ nhà quảng cáo…

Bản thân DN cung cấp dịch vụ đó lại có trụ sở ở nước ngoài và thông qua rất nhiều chi nhánh ở các nơi để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, để có thể thu thuế được DN đó là một thách thức, sự phối hơp phải diễn ra giữa nhiều quốc gia với nhau. Bên cạnh đó, việc xác định loại thuế gì dùng để thu đối với hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới cũng đang còn gây nhiều tranh cãi.

Ông Cường cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng đang có những thay đổi trong chính sách thuế để thu được thuế từ những hoạt động dịch vụ khai thác sử dụng nền tảng mới của công nghệ như Singapore, Liên minh châu Âu (EU). EU đang xem xét xác định giá trị của mạng xã hội để đánh thuế (đánh thuế nguồn gốc phát sinh giá trị), đề ra các nguyên tắc đánh thuế mới và thảo luận giữa các quốc gia để phối hợp đánh thuế. Vì vậy, việc tiếp cận vấn đề trên của Việt Nam lúc này chưa phải là muộn.

Theo ông Cường, việc xem xét có đánh thuế một hoạt động thì cần dựa trên việc hoạt động đó có phát sinh thu nhập hay không, có tạo ra sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng không và thu nhập có tới mức thu thuế hay không? Điều quan trọng là xác định ngưỡng để đánh thuế phù hợp, tránh gây tâm lý “nản” cho các startup, bởi nếu đánh thuế quá lớn thì có thể các DN này sẽ buông không muốn đầu tư.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, chúng ta không cần lo lắng về chuyện sợ đánh thuế cao mà các DN lớn như Amazon, Alibaba, Ebay.… không vào Việt Nam. Bởi thuế không phải là yếu tố rào cản lớn, vì tại Việt Nam thuế thu nhập hiện tương đối thấp.

Hơn nữa, khi xác định được mức thuế phù hợp với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới thì việc đánh thuế có căn cứ rõ ràng, minh bạch, nên dù có thể cao hơn các hoạt động khác thì các DN trên nếu họ nhìn thấy lợi nhuận tốt, họ vẫn chấp nhận và  vẫn vào thị trường Việt Nam./.

Thảo Miên | Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Xem thêm: Cục thuế TP.HCM mời 15.000 chủ tài khoản Facebook, Google kê khai thuế: Chỉ một số ít tự nguyện hợp tác!

LIÊN HỆ NGAY INTERTAX ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ NHẬN NHIỀU ƯU ĐÃI

Chat Zalo/Viber/Skype

028.6681.2057

0908.465.057