Có đề xuất thuế dù muốn hay không thì hiện đã chính thức thành sự thật. Cũng có đề xuất tới hiện vẫn đang gây nên làn sóng tranh cãi sau gần một năm được công bố.
- Vòng quay sửa đổi luật thuế và nỗi lo tác động ngược
- 7 nội dung cần lưu ý về Luật Quản Lý Thuế mới nhất
- Hướng dẫn kê khai nộp thuế lệ phí Môn Bài năm 2019
Thuế đất tăng 13 lần, nhà trên 700 triệu phải nộp thuế nhà ở
Thuế tài sản có lẽ là đề xuất gây làn sóng lớn nhất trong năm nay. Phương án được Bộ Tài chính đưa ra là đánh thuế ở mức 0,4% với đất và nhà ở trên 700 triệu đồng.
Nếu chỉ tính riêng với đất, mức thuế 0,4% theo tính toán cao hơn 13 lần so với mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp người dân đang phải nộp. Hiện, mức thuế này với nhiều người chỉ khoảng 0,03%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã có văn bản gửi các bộ, ngành cho rằng, đề xuất trên nếu được ban hành sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân. Sự chênh lệch tới 13 lần dẫn tới khả năng có thể có những hộ gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc nộp thuế.
Một điều không thể không nhắc tới là khoản thuế “mới toanh”: Thuế nhà ở với nhà trên 700 triệu đồng. Cơ quan soạn thảo đưa ra cách tính toán: một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2. Chiếu theo quy định về xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2, như vậy, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia, mức 700 triệu là quá thấp. Bởi, để mua được nhà, đại đa số người dân phải làm việc cật lực, tiết kiệm chi tiêu. Nếu thêm khoản thuế trên đó sẽ gánh nặng không nhỏ.
Tính toán mới công bố hồi tháng 12 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sẽ phải trả thêm 1,3 triệu đồng mỗi năm nếu áp thuế tài sản. Nhóm nghiên cứu này đề xuất ngưỡng đánh thuế là từ 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đề xuất trên có thể tạm thời chưa được xem xét trong năm 2019 bởi theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và năm 2019 và trong đó chưa có dự thảo Luật Thuế tài sản.
Tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu luôn là vấn đề nóng 2 năm trở lại đây. Nếu như năm ngoái, dư luận “choáng” bởi đề nâng khung thuế lên 8.000 đồng/lít thì năm nay, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng kịch trần mức thuế này (mức thuế với xăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít).
Nói về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, Bộ Tài chính cho rằng sẽ khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, phát biểu sau đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội thì tỏ ra lo lắng vì chính doanh nghiệp đang phải “gồng mình” chịu các loại thuế. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường nếu được áp dụng sẽ buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá các sản phẩm và có thể làm yếu đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín thì cho rằng, nếu muốn tăng thu ngân sách, cơ quan chức năng có nhiều cách như: cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công có hiệu quả, hay có các biện pháp quản lý thuế với các loại hình kinh doanh mới. Đây là những giải pháp theo ông “cần được nghĩ đến nhiều hơn thay vì chỉ tính đến tăng thuế để tăng thu”.
Tuy nhiên, tới tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường nhất trí theo hầu hết các mức của Bộ Tài chính đưa ra.
Nghiên cứu thu phí khí thải
Những ngày cuối năm, dư luận bỗng nhận thêm một thông tin gây sốt: đề xuất thu phí môi trường với khí thải.
Thông tin này bắt đầu nóng lên sau khi các tờ báo đăng tải văn bản của Bộ Tài chính “giục” các cơ quan cho ý kiến về thu khoản phí trên. Sau đó, chính Bộ Tài chính đã phải lên tiếng giải thích cho rằng, đề xuất này xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và UBND TP Hà Nội .
Văn phòng Chính phủ sau đó đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP Hà Nội, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường khí thải.
Đóng góp sau đó, có ý kiến cho rằng, việc thu phí có thể đảm bảo công bằng, người xả thải nhiều nộp nhiều, ít nộp ít. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thời điểm đưa vào áp dụng và mức thuế áp dụng cần phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ngoài ra, ôtô đã có kiểm định khí thải qua các trung tâm đăng kiểm và dễ dàng xác định mức khí phát thải nếu chia theo niên hạn. Tuy nhiên, xe máy thì chưa có kiểm định khí thải và muốn thu phí phương tiện này không thể là việc ngày một ngày hai.
Đề xuất thu phí khí thải khiến nhiều người lo lắng việc “phí chồng chí”. Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, để lưu thông trên đường, xe máy và ôtô lăn bánh đang “cõng” rất nhiều loại thuế, phí và nếu tăng thu phí bảo vệ môi trường với khí thải sẽ là gánh nặng với chủ phương tiện.
Phương Linh | Theo Dân Việt