Ngày 27/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018.
Cơ quan thuế sai, nên xin lỗi doanh nghiệp
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) theo các nghị quyết của Chính phủ.
Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện khai thuế điện tử trên cả nước với 622.654 DN đạt 99,64%; số lượng khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 43,5 triệu hồ sơ. Cơ quan thuế kết nối nộp thuế điện tử với 46 ngân hàng thương mại.
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan. Đến nay đã có 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACSS/VCIS với khoảng 74.600 DN tham gia và có hơn 573.000 hồ sơ được xử lý qua cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 DN; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục Hải quan….
Dù vậy, ngay tại hội nghị, vẫn khá nhiều ý kiến bức xúc về việc sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian áp dụng và cách thức lưu trữ hóa đơn điện tử; vấn đề lệ phí trước bạ, quy định trần lãi vay 20% đối với giao dịch liên kết, thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vấn đề hoàn thuế, chính sách thuế đối với xuất nhập khẩu tại chỗ…
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tuyên Quang cho biết, một bất cập lớn hiện nay trong lĩnh vực thuế, hải quan là việc thanh, kiểm tra của các bộ, ngành vẫn đang chồng chéo. Mặc dù, theo Nghị quyết 135 của Chính phủ quy định, mỗi năm, cơ quan nhà nước chỉ thanh, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần nhưng con số này hiện đang lên tới ít nhất 2,3 lần.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cũng lưu ý đại diện Bộ Tài chính là tình trạng tính nhầm thuế của DN vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều trường hợp DN mang chứng từ lên cơ quan thuế đối chiếu nhiều lần nhưng hàng tháng vẫn báo DN nợ thuế. Một số DN cho biết vấn đề này do hệ thống nộp thuế điện tử tính nhầm, vì vậy cơ quan thuế cần tự động giải quyết và khắc phục cho DN. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các số liệu nộp và nợ thuế, phạt hành chính trong các thông báo hàng tháng thiếu chính xác, điều chỉnh chưa kịp thời khi đã có ý kiến của DN. Thậm chí, có DN phản ánh cơ quan thuế địa phương căn cứ vào đó để làm khó và mất công sức và thời gian của DN.
“DN sai thì cơ quan thuế phạt mà thuế sai thì cơ quan thuế cũng nên xin lỗi và tìm cách giải quyết cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất”, ông Phòng đề nghị.
Muốn làm ăn toàn cầu, không thể đòi chính sách riêng
Tại hội nghị, nhiều DN đã đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 20 liên quan đến việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20%. Theo các DN, mặc dù Nghị định 20 phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng nếu xét điều kiện của Việt Nam, thì Nghị định này đang gây nhiều khó khăn cho các DN trong nước.
Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế Nghị định lại có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con. Những doanh nghiệp theo mô hình này không thể trực tiếp vay vốn từ ngân hàng được mà sẽ thông qua công ty mẹ của tập đoàn, do đó chi phí lãi vay của công ty tập đoàn sẽ rất lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế.
Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng Nghị định không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với Cty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.
Trả lời những thắc mắc của các doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế Việt Nam càng ngày càng phục vụ việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Hội nhập kinh tế thế giới buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết của quốc tế trong việc bình đẳng giữa DN trong nước và quốc tế, trong đó có cắt giảm ưu đãi.
Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu phải tập trung trong việc chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Ban hành nghị định 20 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Dương Hưng – Trọng Đạt | Theo Tiền phong