Cơ sở mầm non thuộc nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục do một cá nhân làm chủ có được hưởng ưu đãi thuế không? Nếu nộp thuế thì phải nộp các khoản nào?
- Có được điều chỉnh mức thuế trên hợp đồng sau khi trúng thầu?
- Thưởng Tết, lương tháng 13 có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
- Trước giờ G: Người Việt đang phải chịu quá nhiều thuế và phí?
Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định:
“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại khoản này là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.
Tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 302/2016/TT-BTC quy định miễn lệ phí thuế môn bài:
“1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục do cá nhân đứng tên xin phép thành lập nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 302/2016/TT-BTC nêu trên. Trường hợp doanh thu của cá nhân hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Doanh thu không chịu thuế GTGT
Khoản 13, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:
“13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế…”.
Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu từ hoạt động dạy học, nuôi giữ trẻ (bao gồm cả tiền ăn) của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Thuế thu nhập cá nhân
Điều 1 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định người nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh:
“Điều 1. Người nộp thuế
1. Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Chương I Thông tư này là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh) …
2. Người nộp thuế nêu tại Khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.”
Tại Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:
“1. Nguyên tắc áp dụng
a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của năm…
2. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
a) Doanh thu tính thuế
a.1) Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
b) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
… b.2) Chi tiết danh mục ngành nghề để áp dụng tỷ lệ thuế GTGT, tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Xác định số thuế phải nộp
… Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN theo hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b.3, Khoản 2 Điều này.
– Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại Điểm b, Khoản 2 Điều này…”.
Căn cứ các quy định nêu trên, cá nhân làm chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì cá nhân không phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng, cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC nêu trên.
Theo Chinhphu.vn