Những biện pháp khá quyết liệt thu hồi nợ thuế của ngành thuế đang phát huy hiệu quả khi nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện đóng thay vì bị cưỡng chế
- Lo bị cưỡng chế 575,8 tỉ nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, Unilever kêu cứu lên Thủ tướng
- 7 nội dung cần lưu ý về Luật Quản Lý Thuế mới nhất
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tại thời điểm 30-9, tổng số tiền nợ thuế là 82.961 tỉ đồng; trong đó, nợ có khả năng thu là 48.019 tỉ đồng, không có khả năng thu 34.942 tỉ đồng.
Ngành thuế quyết liệt xử lý nợ thuế
Trong khi đó, Cục Thuế TP HCM cho biết tổng số nợ thuế có khả năng thu đến ngày 30-11 là 10.236 tỉ đồng, bao gồm các khoản nợ liên quan đến đất ở mức 1.826 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong số tiền nợ thuế thì phí lại chiếm tỉ trọng rất lớn với 5.104 tỉ đồng, còn lại 3.221 tỉ đồng là tiền phạt chậm nộp. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018 thu ngân sách của Cục Thuế TP mới đạt 236.334 tỉ đồng, bằng 87,93% dự toán năm 2018.
Theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục Trưởng Cục Thuế TP HCM, gần đây cơ quan thuế đã ban hành nhiều quyết định cưỡng chế đối với DN nợ thuế. Từ tháng 8 đến cuối tháng 11, sau khi Cục Thuế TP HCM đã 3 lần công bố danh sách nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều DN đã có ý thức nộp thuế nên cơ quan thuế đã ban hành khá nhiều văn bản giải tỏa cưỡng chế thuế. Đáng chú ý nhất là mới đây Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy đã nộp 256,3 tỉ đồng trong số 350 tỉ đồng nợ thuế. Phần còn lại công ty này cam kết tiếp tục nộp trong thời gian tới.
Cục Thuế TP phấn đấu đến thời điểm 31-12-2018 số nợ thuế không vượt quá 4% so với tổng thu nội địa.
Ngoài ra, Cục Thuế TP còn phối hợp với các ban ngành liên quan như Sở tài Nguyên Môi Trường, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở tài chính, Kho bạc và Sở Thông tin truyền thông trong việc tăng cường các biện pháp xử lý thu hồi nợ thuế.
Tại TP HCM, không chỉ cơ quan thuế đang quyết liệt đòi nợ thuế mà mà mới đây Cục Hải quan TP HCM cũng có công văn chỉ đạo chi cục trưởng các chi cục triển khai bố trí cán bộ, công chức làm việc các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ: 22, 23, 29, 30 và 31-12 để đáp ứng yêu cầu thông quan của DN trong những ngày nghỉ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.
Theo Cục Hải quan TP, tính đến ngày 15-12, đơn vị thu nộp ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu được 101.900 tỉ đồng, đạt hơn 94% dự toán. Do đó, trong những ngày còn lại của năm 2018, Cục Hải quan TP phải thu ngân sách nhà nước đạt 6.100 tỉ đồng (trung bình 610 tỉ đồng/ngày) mới đạt được chỉ tiêu thu 108.000 tỉ đồng.
Chủ một đại lý thuế ở TP HCM đánh giá các biện pháp quyết liệt của cơ quan thuế sẽ thúc đẩy DN sớm nộp thuế. Tuy nhiên, nếu DN làm ăn thất bại hoặc cố tình trốn thuế bằng cách rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh… sẽ rất khó đòi.
Cơ quan thuế phải truy tìm thông tin người đại diện pháp luật của DN để áp dụng các biện pháp cưỡng chế như yêu cầu NH phong tỏa tài khoản, đồng thời đề nghị cơ quan công an cấm xuất cảnh đối với người này.
Đề cập đến rủi ro DN nợ thuế do “vỡ trận” kinh doanh, ông Trần Ngọc Tâm cho biết để thu hồi nợ thuế của những DN này, cơ quan thuế cần có thời gian sưu tra, phối hợp với các các bộ, ngành để tiếp nhận sự hỗ trợ thông tin; đặc biệt là phối hợp các ngân hàng trong việc cung cấp một phần thông tin tài khoản của DN và tài khoản của người đại diện pháp luật DN nợ thuế.
Vì sao doanh nghiệp nợ thuế?
Thế nhưng, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý Thuế TP HCM, cho hay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến DN nợ thuế.
Theo đó, ngoài việc một số đơn vị không có tiền để nộp thuế vẫn có những DN sau khi được hoàn thuế giá trị gia tăng đã bỏ trốn, hoặc cố tình kê khai sai và nghĩ rằng sẽ qua mặt được cơ quan thuế. Mặt khác, cán bộ quản lý thuế và DN chưa đồng nhất về cách hiểu chính sách thuế, dẫn đến kết quả tính thuế khác nhau. “Thông thường, DN chỉ có 1 người phụ trách “ôm” hết mọi thông tin về thuế. Trong khi đó, đại lý thuế của tôi có đến 10 nhân viên, mỗi người chỉ phụ trách một mảng mới nắm chắc được các quy định về thuế”- ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, chính sách về thuế chưa rõ ràng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho DN khiếu nại cơ quan thuế. Từ đó, DN chưa chịu nộp thuế dẫn đến nợ thuế. Ví dụ, DN cho rằng một dự án thuộc diện mở rộng sản xuất sẽ được giảm thuế nhưng cơ quan thuế nhận định dự án đó không không được ưu đãi thuế, dẫn đến hai bên không gặp nhau khi áp dụng chính sách thuế…
Xem thêm: Dịch vụ đại lý thuế là gì? Vì sao doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ đại lý thuế?
Trong khi đó, một thanh tra viên của Cục Thuế TPHCM cho hay sau khi hết thời hạn nộp thuế, nếu DN chưa nộp thì sẽ bị đưa vào diện nộp chậm và bị phạt lãi suất 0,03%/ngày. Mức phạt này được áp dụng từ tháng 7-2106 (trước đó phạt 0,05%/ngày) nhằm giảm nhẹ gánh nặng tài chính, tạo điều kiện cho DN sớm nộp thuế. Tuy nhiên, theo vị thanh tra này, để giảm được nợ thuế, vấn đế cốt lõi là cán bộ thuế cần làm hết trách nhiệm của mình về kết quả tính thuế; phối hợp với NH trong việc truy tìm, trích tiền tài khoản của DN nợ thuế…
Thy Thơ | Theo Báo Người Lao Động
Xem thêm: