Tổng cục Thuế vừa đưa ra con số giật mình: trên cả nước có đến 581.700 hộ dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế. Sắp tới, ngành thuế sẽ đưa vào tầm ngắm các quán cóc vỉa hè, xe ôm…
Đây là con số rất lớn, bằng 1/3 so với số hộ kinh doanh trên cả nước mà cơ quan thuế đang quản lý và hơn gấp đôi so với số hộ kinh doanh đang được quản lý thuế tại TP.HCM.
- Doanh nghiệp than về chính sách hành chính thuế, hải quan
- Cục Thuế TP.HCM xử lý những chiêu lách thuế bán hàng qua mạng
Tổng cục Thuế cho biết theo kết quả của cuộc tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cả nước có đến hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh.
Tuy nhiên sau khi đã loại trừ những người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc… còn lại hơn 2,21 triệu hộ kinh doanh. Thế nhưng, con số cơ quan thuế quản lý chỉ hơn 1,6 triệu hộ, thấp hơn 581.700 hộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết vừa qua khi tổng điều tra kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thống kê số lượng hộ kinh doanh trên cả nước.
Về nguyên tắc Tổng cục Thống kê thống kê tất cả các cá nhân kinh doanh, kể cả những người làm tự do, buôn bán nhỏ, trong khi cơ quan thuế chỉ quản lý thuế với những hộ có địa điểm kinh doanh cố định. Do mục đích thống kê là khác nhau dẫn đến những sai lệch trong số liệu.
Theo ông Lâm, số liệu của Tổng cục Thống kê là cơ sở để ngành thuế nắm từ đó quản lý thuế sát hơn. Trên thực tế cũng có những hộ kinh doanh chưa khai đủ hoặc giấu doanh thu, dẫn đến thất thu thuế.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu đưa ngay vào diện quản lý thuế những hộ kinh doanh bị sót kể trên. Các cục thuế cũng được yêu cầu phải thường xuyên rà soát đảm bảo có dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên, như xe ôm, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc vỉa hè, hộ kinh doanh tại các địa điểm tự phát, không được cấp phép hoạt động chính thức như chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng, thôn, bản…
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho rằng khó có sự chênh lệch lớn như vậy.
“Có thể khi thống kê cơ quan thống kê đã đưa cả những người kinh doanh hàng rong, xe đẩy, bán xôi, bánh mì, xe cà phê di động hay người kinh doanh thời vụ vào. Còn tiêu chí để lập bộ và đưa vào danh sách quản lý thuế đối với cơ quan thuế phải là những người kinh doanh ổn định, có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên” – lãnh đạo Cục Thuế TP nói.
Cần làm rõ việc sai lệch
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, có thể trong quá trình kinh doanh nhiều hộ ngưng, nghỉ hoặc chuyển tên nhưng không được cập nhật mà cứ tính theo lũy kế dẫn đến số liệu không chính xác.
Tuy nhiên theo ông Sơn, con số sai lệch 581.700 hộ bằng 1/3 so với số hộ kinh doanh trên cả nước mà cơ quan thuế đang quản lý là con số sai lệch rất lớn.
“Cần làm rõ xem ai đúng, ai sai để khắc phục. Vì nếu ngành thuế sót lọt số lượng lớn như vậy sẽ gây thất thu lớn. Còn nếu sai do cơ quan thống kê sẽ làm sai lệch số liệu, dẫn đến sai về định hướng quản lý cũng như tầm nhìn, chiến lược” – ông Sơn nói.
Nhiều chuyên gia khác cũng đề nghị cần làm rõ sai lệch này để thuận lợi trong quản lý kinh tế.
Ánh Hồng | Theo Tuổi trẻ online